Vinh danh Mẹ Têrêsa

Ấn Độ

Mẹ Teresa được quàng ở Nhà thờ St Thomas, Kolkata trong một tuần trước khi được an táng vào tháng 9 năm 1997. Chính phủ Ấn Độ tuyên bố quốc tang để vinh danh con người từng cứu giúp nhiều người nghèo khổ thuộc các tôn giáo khác nhau trên đất nước Ấn.[41] Trước đó năm 1962, bà được chính phủ Ấn trao giải Padma Shri. Trong những thập niên kế tiếp bà được trao tặng các giải thưởng lớn như Giải Jawaharlal Nehru cho sự Hiểu biết Quốc tế (năm 1972), và năm 1980 là giải thưởng dân sự cao quý nhất Ấn Độ, Bharat RatnaTuy nhiên, tại Ấn Độ, cũng có những nhận định khác về Teresa. Aroup Chatterjee, một bác sĩ sinh trưởng ở Calcutta nhưng sống ở Luân Đôn và từng làm việc cho Dòng Thừa sai Bác ái, cho rằng Teresa đã quảng bá một hình ảnh tiêu cực về thành phố này.[31]. Đảng Bharatiya Janata (BJP) từng bất đồng với Teresa về những người thuộc đảng cấp Dalit (hạ tiện) theo Cơ Đốc giáo, nhưng khi bà mất, họ đã lên tiếng ca tụng và cử đại diện đến dự tang lễ. Gần đây hơn, nhật báo The Telegraph của Ấn Độ từng gọi Mẹ Teresa là "vị thánh của những người khốn cùng", lại kêu gọi "Rôma nên điều tra xem có phải bà không chịu làm gì để thay đổi điều kiện sống tồi tệ của người nghèo, mà chỉ lo chăm sóc người bệnh và người hấp hối, và sử dụng họ cho mục tiêu khơi gợi xúc cảm đạo đức."[42]

Thế giới

Năm 1962, Mẹ Teresa được trao giải Ramon Magsaysay về sự Hiểu biết Quốc tế cho những hoạt động của bà ở Đông và Nam Á, "Ban Quản trị nhìn nhận sự nhận thức sâu sắc và đầy thương cảm của bà dành cho những người nghèo khó ở một xứ sở xa lạ."[43] Đến đầu thập niên 1970, Mẹ Teresa trở nên một nhân vật nổi tiếng thế giới, phần lớn là do cuốn phim tài liệu Something Beautiful for God do Malcom Muggeridge sản xuất năm 1969, cũng như quyển sách cùng tên của ông xuất bản năm 1971.[44] Khi thực hiện cuốn phim, có những đoạn phim phải quay trong điều kiện ánh sáng không tốt, nhất là tại Nhà dành cho người Hấp hối, đoàn làm phim nghĩ rằng sẽ không thể sử dụng những thước phim này. Tuy nhiên, khi trở về từ Ấn Độ, chúng lại có ánh sáng rất tốt. Muggeridge cho đó là phép lạ do "ánh sáng thần thượng" từ Mẹ Teresa.[45] Những người khác trong đoàn làm phim thì nghĩ rằng đó là nhờ loại phim cực nhạy của Kodak.[46] Về sau, Muggeridge chấp nhận đức tin Công giáo.

Tổng thống Hoa Kỳ Ronald Reagan trao tặng cho Mẹ Teresa Huân chương Tự do Tổng thống năm 1985

Cùng lúc, thế giới Công giáo khởi sự tôn vinh Mẹ Teresa. Năm 1971, Giáo hoàng Phaolô VI trao tặng bà Giải Hòa bình Giáo hoàng Gioan XXIII lần thứ nhất, khen ngợi bà về những gì đã làm cho người nghèo, thể hiện lòng nhân ái Kitô và nỗ lực đấu tranh cho hòa bình.[47] Năm 1976, bà được trao Giải Pacem in Terris.[48] Sau khi mất, giáo hội đẩy mạnh quy trình phong thánh cho Mẹ Teresa, hiện bà đã được phong chân phước.

Các chính phủ và những tổ chức dân sự cũng tìm đến tôn vinh Mẹ Teresa. Vương quốc Anh và Hoa Kỳ nhiều lần trao tặng bà giải thưởng các loại, cao quý nhất là Order of Merit của Anh Quốc năm 1983, và công dân danh dự của Mỹ ngày 16 tháng 11 năm 1996. Quê hương Albania của Mẹ Teresa cũng dành cho bà Huân chương Vàng Nhà nước năm 1994.

Năm 1979, Mẹ Teresa được trao tặng Giải Nobel Hòa bình cho "những hoạt động diễn ra trong sự đấu tranh vượt qua sự nghèo khó và cùng quẫn, là những điều đe dọa hòa bình." Bà từ chối bữa tiệc mừng truyền thống và yêu cầu gởi số tiền 192 000 USD cho người nghèo ở Ấn Độ,[49] nói rằng những phần thưởng trên thế gian chỉ có giá trị chỉ nào chúng giúp ích những người thiếu thốn trên thế giới. Khi nhận giải thưởng, bà đặt câu hỏi, "Chúng ta có thể làm gì để thăng tiến nền hòa bình thế giới?", và đưa ra câu trả lời, "Hãy về nhà và yêu chính gia đình mình." Bài đáp từ của Mẹ Teresa cũng dựa trên chủ đề này, "Khắp nơi trên thế giới, không chỉ ở những nước nghèo, tôi thấy xóa nghèo ở phương Tây còn khó khăn hơn. Khi tôi nhặt một người ngoài đường phố, đang đói khát, tôi cho người ấy một đĩa cơm, một miếng bánh, tôi cảm thấy hài lòng vì đã cứu đói cho người ấy. Nhưng khi một người bị gạt bỏ, cảm thấy mình sống thừa thãi, không được yêu thương, sống trong kinh hãi, con người đang bị gạt ra bên lề xã hội – sự nghèo khổ ấy là khốn khổ hơn, tôi thấy rất khó mà cứu giúp." Bà cũng chỉ ra rằng phá thai "là kẻ hủy diệt nguy hiểm nhất cho nền hòa bình thế giới"[50]

Các cộng đồng tôn giáo và thế tục đều thương tiếc Mẹ Teresa khi bà tạ thế. Thủ tướng Pakistan Nawaz Sharif nói rằng bà là "một cá nhân độc đáo và hiếm có, đã cống hiến đời mình cho những mục đích cao đẹp. Cuộc đời lâu dài của bà được dành để chăm sóc người nghèo, người bệnh, người bất hạnh đã trở thành một trong những hình mẫu cao quý nhất về lòng tận tụy phục vụ nhân loại.[51] Cựu Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc Javier Pérez de Cuéllar nhận xét: "Bà là Liên Hiệp Quốc. Bà là hòa bình của thế giới."[51]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Mẹ Têrêsa http://www.indianembassy.am/eng/india_arm_partners... http://www.bbc.com/news/world-europe-37269512 http://www.beliefnet.com/story/223/story_22353_1.h... http://www.bmj.com/cgi/content/full/312/7022/64/a http://www.britannica.com/eb/article-9071751 http://www.britannica.com/eb/article-9071751/Bless... http://www.cbsnews.com/stories/2003/10/09/60minute... http://www.christianmemorials.com/tributes/mother-... http://www.chron.com/cgi-bin/auth/story/content/ch... http://archives.cnn.com/2001/WORLD/asiapcf/south/0...